Đi làm thiện nguyện mà chọn việc dễ để làm thì không nói làm gì. Trái tim tôi luôn hướng tới những mảnh đời bất hạnh nhất
Đó là những chia sẻ của Ông Trần Duyên Hải (Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Linh Quang, tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật Việt Nam,số 25/48 ngõ Linh Quang, Đống Đa, Hà Nội).
Những mảnh đời bất hạnh
Khuyết tật, bị bạo hành, bụi đời – những mảnh đời bất hạnh với tương lai mơ hồ ấy tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ thấy được tia sáng trong cuộc đời mình, giờ đã có thể hi vọng và có thêm niềm tin vào cuộc sống….
Chúng tôi đến Trung tâm Dạy nghề của ông Hải trong một buổi sáng trời mưa phùn và hơi se lạnh. Khác với khung cảnh náo nhiệt của phố phường thủ đô, không gian nơi đây khá tĩnh lặng. Ông Hải đón tiếp đoàn chúng tôi bằng một nụ cười tươi tắn. Với vóc dáng thanh mảnh và lời nói nhẹ nhàng, ông khiến cho người đối diện cảm nhận được sự gần gũi và dễ chịu và trân thành.
Chúng tôi gặp Ngọc đầu tiên. Ngọc hay còn gọi là Ngọc ‚sương gió‘ là một trong những đứa trẻ được ông Hải cưu mang trong một lần gặp cậu bé đang ôm chặt chân khách du lịch xin ăn vì đói quá và bị hất đá ra vì làm bẩn quần của họ. Hoàn cảnh của Ngọc rất khó khăn,quê cậu ở xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), mẹ mất sớm, bố bỏ vào Nam. Cậu bị liệt cả hai chân nhưng vẫn phải bỏ nhà theo bạn bè đi bụi đời, dặt dẹo xin ăn ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhận thấy bản chất chất Ngọc không hề xấu,chỉ là do hoàn cảnh ép buộc nên mới “túng làm liều”,ngay sau đó ông Hải đã đưa cậu về Trung tâm Linh Quang,cho Ngọc một mái nhà để em không còn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.
Nguyễn Chí Dĩnh (quê Hà Trung-Thanh Hóa) – một nạn nhân của bạo hành cũng được ông Hải cứu giúp. Từ nhỏ, khi lọt lòng, Dĩnh đã chẳng có bố, không lâu thì mẹ bỏ đi, để lại cô cho bà ngoại. Sau đó, cô được về chùa ở. Trong khoảng thời gian dài, cô bị đánh đập bầm tím, luôn sống trong cảnh sợ hãi.Ông Hải đã nhận Ngọc về trung tâm với mong muốn cô cảm nhận được tình thương của mái ấm gia đình.
Ngoài Ngọc và Dĩnh, Trung tâm Linh Quang do ông Hải quản lý còn cưu mang, tạo việc làm cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn khác. Có lẽ, chính vì vậy mà ông Hải luôn được tất cả mọi người ngưỡng mộ, quý mến và gọi bằng cái tên đầy yêu thương “Thầy Hải nhân đạo”.
Hành trình xây dựng “ mái ấm” của “thầy Hải nhân đạo”
Ông sinh năm 1938 trong một gia đình nổi tiếng giàu có ở xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Cái duyên với những mảnh đời bất hạnh đến với ông từ khi còn bé và đến một ngày ông bỏ công việc hằng mơ ước của bao người lúc bấy giờ để về làm công việc “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Vào đầu những năm 1970, nước ta vẫn còn trong thời kì chiến tranh loạn lạc, chứng kiến cảnh những em nhỏ ăn xin, bán hàng rong, thậm chí móc túi, cướp giật để mưu sinh trên bờ hồ Hoàn Kiếm lúc bấy giờ ông không khỏi xót xa. Sau nhiều đêm, nhiều ngày gặp gỡ các em ông vẫn trăn trở: “ Không biết rồi những con người này sẽ đi đâu về đâu”. Không do dự, ông đã tập hợp những đứa trẻ đường phố ra bờ sông Phúc Xá ( Long Biên) mua gỗ, lập xưởng rồi nhờ người họ hàng dạy nghề mộc cho các em.
Nhờ vậy, nhiều em đã được học nghề và có công việc ổn định. Tuy nhiên, ở thời điểm đó những người làm từ thiện như ông hầu như là không có và thường bị hiểu lầm là kẻ xấu lợi dụng trẻ em lập bang đảng trộm cắp. “ Họ hàng, hàng xóm thấy tôi hay bị công an hỏi thăm cũng không muốn liên quan nên không muốn thân thiết. Vì công an họ nghĩ tôi là “kẻ cầm đầu bọn trẻ em đường phố” – ông Hải chia sẻ.
Teacher Tran Duyen Hai
Dưới sức ép của công an, ông buộc phải tán lớp học nghề mộc, để các em tự bươn trải kiếm sống. Tuy nhiên ông vẫn tìm cách giúp đỡ những đứa trẻ “ bụi đời”. Sau nhiều năm hoạt động “lẩn trốn” công an, năm 1983 ông Hải xin nghỉ hẳn ở Sở Thương Nghiệp Hà Nội rồi thuê một căn phòng nhỏ, mua máy may tập hợp vài em nhỏ dạy nghề may cho chúng.
Lớp mở được một thời gian, khó khăn chồng chất khó khăn vì thiếu thốn đủ thứ. Ông chia sẻ, phần vui vì các em đến với lớp ngày càng đông, nhưng với đồng lương còm cõi khó mà duy trì nổi. Sau đó, ông lại đi vận động, kêu gọi những tấm lòng nhân ái và nhận được sự giúp đỡ của một số cá nhân, doanh nghiệp.
Sau mấy chục năm hoạt động, hiện Trung tâm Linh Quang là địa chỉ tin cậy của nhiều người khó khăn, trẻ tàn tật và cũng là mái ấm gia đình cho không ít trẻ em, phụ nữ từng bị bạo hành, bị buôn bán… trở về. Họ được học nghề may vá, thêu thùa thủ công, sửa chữa điện, học vi tính, tin học… để có thể tự kiếm sống.
Hành trình lan tỏa yêu thương
Ông Hải đã bước sang tuổi 79, cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Vào độ tuổi này, người ta thường nghĩ đến niềm vui tuổi già là sự nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, con cháu. Thế nhưng “người cha già” này vẫn cần mẫn, tận tụy đi gom những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh về để nâng niu và che chở. Ông chia sẻ, mỗi năm, ông thường có khoảng 30 chuyến đi tới những địa phương đặc biệt khó khăn. Có những ngày mưa to, gió lớn, cũng có những ngày nắng chói chang đến “rát da, rát thịt” nhưng chưa một lần nào làm ông chùn bước. Cứ mỗi khi nghe tin ở đâu có những phận đời cùng khổ, bất hạnh, ông lại cùng với các cán bộ Trung tâm khăn gói lên đường tìm đến để chia sẻ, giúp đỡ.
Ông cho biết: “Mỗi một thành viên là một hoàn cảnh đặc biệt, khi đến đây, hành trang của các em không có gì ngoài những nỗi nhọc nhẵn, cực nhọc của những số phận kém may mắn. Tôi không thể nuôi các em hết đời nhưng có thể trang bị cho các em một cái nghề để các em tự nuôi mình”.
Người khuyết tật phần lớn là hiền lành, chịu khó, bản thân họ cũng không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội, họ cần có công việc để vui, để quên mặc cảm và hơn thế, để sống có ích. Ông luôn dặn lòng phải quyết tâm để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn nhớ câu chuyện của ba cha con “người rừng” Sùng A Páo từng sống lay lắt trong một hang đá như thời nguyên thủy trên vùng núi cao của xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) từng gây xôn xao dư luận một vài năm trước. Ông chia sẻ, sau khi đọc được tin tức này trên một tờ báo, ông đã ngay lập tức cùng ban lãnh đạo trung tâm lên kế hoạch cuộc hành trình dài sáu ngày đến tận nơi ở của cha con Sùng A Páo đón họ về Trung tâm với mong muốn giúp họ thay đổi cuộc sống. Nếu không gặp ông, có lẽ, cuộc sống tăm tối của họ sẽ mãi vẫn tiếp diễn như thế, tương lai của những đứa trẻ rồi sẽ đi về đâu?
“Có những lần địa điểm đến những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, đường đi rất nguy hiểm và trắc trở nhưng tất cả rồi cũng đều qua đi. Sau mỗi chuyến đi, tôi luôn cảm thấy lòng rất nhẹ nhõm và rồi lại lo lắng, lo rằng không biết sẽ đi được bao nhiêu chuyến nữa” – ông hồi tưởng lại.
Bằng giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm, ông kể cho chúng tôi nghe những kỉ niệm từ những ngày đầu thành lập trung tâm trong xúc động. Bỏ nghề giáo đi dạy trẻ em lang thang, ông đã gặp không ít khó khăn và sự phản đối quyết liệt của gia đình. Thời gian đầu, một tay ông đảm đương mọi công việc, từ nuôi dưỡng đến chăm sóc nhiều người, bao gồm cả người già đến trẻ nhỏ, trẻ khuyết tật,… Bao nhiêu khó khăn ập xuống cùng một lúc nhưng ông vẫn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Ông tâm sự:
“ Có những lúc các bé ốm đau, bệnh
tật, có những bé biếng ăn, gầy gò vì bị bỏ đói lâu ngày, tôi thực sự rất lo và không biết làm như thế nào để chăm sóc tốt tất cả các em”.
Những đứa trẻ đến nơi đây được chở che và yêu thương trong một mái nhà chung gắn kết. Yêu thương không chỉ là chăm sóc, là bao bọc mà ông còn hướng đến giáo dục các em về nhân cách, đạo đức, lối sống để các em có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Một tiếng “thầy” mà người đời trân trọng gọi ông có lẽ không chỉ mang ý nghĩa của sự dạy nghề, truyền nghề mà thiêng liêng và cao cả hơn là nghĩa cử dạy cho con người xung quanh những bài học về đạo làm người. Ông chia sẻ: “ Đối với mỗi đối tượng, cần có những cách dạy dỗ khác nhau. Nhiều trẻ em bị bố mẹ đánh đập, bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ nên đã sinh ra sự bất mãn, dẫn đến nhiều hành động sai trái như ăn cắp vặt hay tụ tập với những đối tượng xấu,… đối với những em như thế thì cần phải có sự kiên trì và cốt lõi vẫn là tình yêu thương”. Ông luôn tâm niệm: “Đối với những người càng bất hạnh thì tình yêu thương cho họ càng phải nhiều hơn”.
Em Nguyễn Văn Hoàng – một em bé mồ côi tại Trung tâm bày tỏ sự ngưỡng mộ và yêu thương đối với ông:
“ Thầy Hải tốt lắm, thầy nuôi em, thầy còn cho em đi học nữa. Lúc đầu, em hay bỏ đi lắm nhưng thầy không hề mắng em, em yêu thầy Hải nhiều lắm”.
Bằng sự đồng cảm và tình yêu thương trân thành, ông đã cưu mang và đưa nhiều số phận vượt qua được những ngày khốn đốn, nguy nan nhất của cuộc đời. Khi chúng tôi hỏi ông về động lực để làm những việc này, ông chỉ cười nhẹ và nói:
“ Có lẽ chính tình yêu của lũ trẻ đã giúp tôi có sức mạnh, nghị lực để đi tiếp trên hành trình này”.
Hơn một nửa đời người, 56 năm trời dài đằng đẵng, ông chưa bao giờ nghĩ đến một ngày nghỉ ngơi, ông chia sẻ:
“Nếu đến một ngày tôi phải chia tay với việc làm của mình thì có lẽ đó là ngày tôi phải rời xa điều quý giá nhất trong cuộc đời. Và đó có lẽ cũng là nỗi buồn không thể nào chấm dứt được”.
Nỗi trăn trở và niềm mong ước
Tính đến nay, ông Hải cũng không nhớ nổi trung tâm của mình đã tiếp nhận bao nhiêu mảnh đời, cứu vớt bao nhiêu số phận. Chỉ biết rằng, bất cứ khi nào, ở đâu họ cần, ông đều xuất hiện, sẵn lòng tìm đến và tiếp nhận về. Cũng từng ấy năm trung tâm hoạt động, có rất nhiều thế hệ học trò được ông dạy nghề đã trở về địa phương lập nghiệp mở tiệm áo cưới, xưởng may làm chủ kinh tế.
“Bây giờ, nhìn thấy các cháu làm việc thành thạo, thu nhập ổn định , xây dựng gia đình hạnh phúc tôi cũng thấy ấm lòng” – ông Hải vui mừng chia sẻ.
Tuổi tác cũng đã cao, sức khỏe luôn là vấn đề làm ông trăn trở, muộn phiền, ông luôn “sợ” sẽ không còn làm được lâu dài nữa. Ông tâm sự với chúng tôi:
“Tôi hi vọng sau này sẽ có nhiều nhà hảo tâm xây dựng lên những ngôi nhà cho những người khuyết tật tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng khuyết tật có chỗ ở để sinh sống tại Thủ đô, hoặc hỗ trợ họ phần nào để cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn”.
Ông cũng mong muốn, trong thời gian sắp tới, thông tin của trung tâm sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn, trung tâm sẽ thực hiện được nhiều chuyến đi hơn nữa đến các vùng sâu vùng xa để kết nối những mảnh đời bất hạnh, quy tụ các số phận khốn khó về trung tâm để tạo cho họ công việc, giúp họ có một cuộc sống khấm khá hơn, tốt đẹp hơn.
Share this:
9 Comments
I like the article a lot, I admired about mr Hải. He ’s so kind and so hearted!
Bài báo rất cảm xúc
We need more people like mr. Hai, nice reportage, please make more of this!
Bài viết rất hay. Tôi rất mong muốn có nhiều người biết đến trung tâm này
Mong rằng thầy Hải sẽ giúp được nhiều mảnh đời hơn nữa. Chúc thầy sức khỏe
Điều đọng lại lớn nhất của bài báo là ông Hải vẫn tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình khi đã ở độ tuổi „thất thập cổ lai hy“, hành trình đó sẽ không dừng lại chừng nào ông còn cảm thấy mình có thể đóng góp cho xã hội và giúp đỡ người khác. Một tấm gương cần được chia sẻ tới tất cả mọi người. Rất cảm động! Cảm ơn người viết rất nhiều!
Cảm ơn ý kiến của bạn! Thầy Hải vẫn luôn không ngừng nghỉ làm việc để mang lại hạnh phúc cho người khác!
Could I have the contact of Mr. Hai for a plan of charity?
Thank for reading my reportage, if you want to contact Mr.Hai, plz contact us: Email min.justbrain.de, i will give you some useful informations.